“Làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì làm sao biết được có phải con ruột của mình hay không? Lỡ người ta cấy nhầm con ai đó cho mình cũng chẳng ai biết được” – câu nói nghe nhẹ hẫng từ những người hàng xóm, họ hàng vô tình lại gieo thêm căng thẳng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vốn đã chịu rất nhiều áp lực. Thực tế, tuy đa số các bệnh nhân mong con đều tin tưởng vào trung tâm thực hiện IVF của mình, những lời nói vô thưởng vô phạt từ những người chưa tìm hiểu đủ về IVF cũng khiến họ dấy lên nhiều nỗi hoang mang.

Điều trị IVF an toàn đến mức nào?
Phương pháp IVF (In Vitro Fertilization – Thụ tinh trong ống nghiệm) là một kỹ thuật phức tạp trong hỗ trợ sinh sản, được phát minh vào năm 1978. Để thực hiện IVF, cả người vợ và người chồng đều phải trải qua một loạt các xét nghiệm sàng lọc kỹ càng để chọn ra những giao tử (noãn, tinh trùng) tốt nhất. Tiếp theo, việc thụ tinh sẽ được thực hiện dưới thao tác của các chuyên viên phôi học để tạo thành phôi. Phôi sau đó sẽ được nuôi trong ba đến năm ngày ở một môi trường đặc biệt trước khi được các bác sĩ chuyển vào tử cung của người mẹ. Toàn bộ quá trình từ lúc thụ tinh, chuyển phôi đều diễn ra trong một phòng sạch, vô khuẩn. Có thể nói, việc thụ tinh trong ống nghiệm không những giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có con mà còn phần nào giảm được một số nguy cơ về mặt di truyền so với thụ tinh tự nhiên.
Trước đây, khi công nghệ còn hạn chế, nhân viên y tế giữ vai trò lớn trong toàn bộ quá trình IVF. Ở những bước quan trọng như thu nhận giao tử, kết hợp noãn với tinh trùng (thụ tinh) hay chuyển phôi đòi hỏi phải có sự kiểm tra chéo của ít nhất hai nhân viên y tế. Tuy nhiên, do thực hiện bởi con người nên nguy cơ xảy ra sai sót vẫn tồn tại, ví dụ như quên kiểm tra, kiểm tra không đầy đủ, kiểm tra không đồng thời hoặc các lỗi vô ý khi thao tác.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, việc giám sát thủ công những khâu quan trọng này hoàn toàn có thể được thay thế bởi một hệ thống thiết bị gọi là “hệ thống nhân chứng điện tử” (hay còn gọi là e-witness system). Đúng như tên gọi của mình, hệ thống này đóng vai trò như một “nhân chứng”, quan sát từng bước một trong toàn bộ quá trình IVF. Những “người giám sát công nghệ cao” này chỉ cho phép nhân viên y tế xử lý mỗi lần một bệnh nhân, và các hoạt động như thụ tinh hay chuyển phôi chỉ được phép thực hiện khi bệnh nhân và giao tử hoặc phôi của họ được hệ thống nhận diện là trùng khớp nhau. Trong trường hợp có sự sai lệch, hệ thống sẽ ngay lập tức cảnh báo và buộc các nhân viên y tế ngừng thao tác để kiểm tra nguồn gốc của mẫu sinh học cho đến khi xác định đúng bệnh nhân cần thực hiện.
Hệ thống nhân chứng điện tử có ở đâu?
Hiện nay có khá nhiều hệ thống nhân chứng điện tử phục vụ quy trình IVF. Tuy nhiên, hệ thống phổ biến, hiện đại và an toàn bậc nhất là hệ thống RI witness, giúp nhận diện dựa trên tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification - RFID). Hệ thống này thường xuất hiện trong các phòng thí nghiệm IVF (hay còn gọi là phòng lab) tiên tiến. Khi điều trị ở những trung tâm IVF có phòng lab dạng này, các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ nhận được một thẻ nhận diện có gắn chip, trên đó có in hình cá nhân và các thông tin như họ tên, năm sinh, mã bệnh nhân. Ngoài thẻ nhận diện, bệnh nhân còn có thể thấy một máy quét thẻ ở khu vực tiếp đón.
Bên cạnh thẻ từ nhận diện và máy quét thẻ, hệ thống nhân chứng điện tử RI Witness còn bao gồm các nhãn RFID được gắn trực tiếp trên các dụng cụ đựng giao tử hoặc phôi; các đầu đọc RFID ở những điểm lưu trữ, xử lý mẫu; máy tính bảng kết nối với máy chủ tại tất cả các khu vực làm việc của chuyên viên phôi học trong phòng lab. Nhờ hệ thống nhân chứng điện tử được bố trí khắp phòng lab, việc nhận diện bệnh nhân được theo dõi ở mọi giai đoạn điều trị, đảm bảo tránh sai sót.
Chi phí để thiết kế và lắp đặt một hệ thống như thế này trong phòng lab lên đến hàng tỷ đồng, vì vậy không phải trung tâm IVF nào cũng sẵn sàng đầu tư. Một số trung tâm IVF tại Việt Nam hiện nay có trang bị hệ thống này có thể kể đến như Trung tâm hỗ trợ sinh sản Olea, Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD), Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức Phú Nhuận (IVFMD Phú Nhuận) (TP. HCM), Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Family (Đà Nẵng).
Hệ thống nhân chứng điện tử giúp bệnh nhân IVF “thả lỏng tâm trí”, chinh chiến đường dài
Hành trình điều trị IVF luôn đầy chông gai, vất vả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân IVF thường phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn so với người bình thường, trong khi càng căng thẳng thì tỉ lệ thành công khi điều trị IVF lại càng giảm. Chính vì vậy, với bệnh nhân IVF việc “cắt giảm” được một nỗi lo đồng nghĩa với việc bớt đi một phần căng thẳng, góp phần nâng cao khả năng điều trị thành công. Với sự hỗ trợ từ những “nhân chứng điện tử” RI Witness, bệnh nhân IVF hoàn toàn có thể thả lỏng tâm trí về những mối lo liên quan đến an toàn. Trước những nỗi bận tâm gây ra từ những người hàng xóm hay họ hàng chưa tìm hiểu đủ thông tin về IVF, giờ đây các cặp vợ chồng điều trị IVF đã có đủ cơ sở để khẳng định về sự an tâm trên hành trình có con chính chủ của gia đình mình.

Contact Us
Hoặc liên hệ hotline 0789 247 257
để Trợ lý Bác sĩ OLEA tư vấn trực tiếp